Nghiệp kinh doanh lận đận của bà chủ lò bún 100 tỷ

Nghiệp kinh doanh lận đận của bà chủ lò bún 100 tỷ

Nghiệp kinh doanh lận đận của bà chủ lò bún 100 tỷ

Nghiệp kinh doanh lận đận của bà chủ lò bún 100 tỷ

Là đời thứ 5 trong gia đình có nghề làm bún gia truyền tại Hà Tây (cũ), bà Nguyễn Thị Bính đã học được cách làm bún tươi truyền thống từ nhỏ. “Cứ 2h sáng là bố đã gọi dậy để thấu bột làm bún. Nhiều khi đến lớp là ngủ gật”, bà Bính kể.

Khát khao được học luôn là niềm mơ ước của cô bé làm bún như Bính. Cuộc thi chuyển cấp năm ấy, cô thiếu 0,5 điểm để được vào cấp 3 vì không có thời gian ôn luyện. Không chịu thua, Bính đã "lấy trộm" của bố 10kg gạo đưa chị gái lớn bán lấy tiền làm chi phí đi lên Sở Giáo dục tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ để gặp lãnh đạo xin thêm... 0,5 điểm, và đã thành công khi được xem xét lại.

Dù cha luôn ngăn cản không cho đi học vì “con gái không nên học nhiều, sẽ bị ế chồng”, tốt nghiệp cấp 3, Bính quyết định trốn vào Nam để học lên bằng được. Năm 1987, người con gái quê Hà Tây may mắn trúng tuyển vào Trường trung cấp lắp máy Long Thành - Đồng Nai với chuyên nghành vẽ kỹ thuật và chế tạo cơ khí. Lúc đó ai cũng cười vì cho rằng con gái mà học nghành chỉ dành cho nam. Nhưng trong lớp Bính luôn giành được điểm cao trong các kỳ thi khiến nhiều anh bạn phải nể phục.

“Khoảng thời gian này tôi phải vượt lên chính mình vì tự lo tiền ăn học. Tôi đi cấy, gặt lúa thuê; nhổ củ mì, hái điều... đến cả những việc nặng nhọc phụ hồ, xuống gạch, chở đá”, bà Bính ngày nay kể lại.

nghiep-kinh-doanh-lan-dan-cua-ba-chu-lo-bun-100-ty

Bà Nguyễn Thị Bính vẫn duy trì thói quen trực tiếp có mặt trong từng khâu sản xuất. Ảnh: MH

Sau hơn hai năm theo học, tưởng chừng tương lai hứa hẹn trước mắt, nhưng Bính lại rơi vào thất nghiệp vì các nơi chỉ nhận nam, chứ không nhận nữ. Vậy là lại đi làm mướn. Sau 3 tháng phụ giúp việc nhà cho 11 thành viên trong một gia đình, Bính chỉ nhận được 40.000 đồng vì họ đã trừ 20.000 vào tiền thuốc thang khi đổ bệnh vì làm công việc quá nặng.

Một người quen vì xót cho hoàn cảnh của Bính đã xin cho vào giúp việc ở một cao ốc quận I, TP HCM. Nhận thấy mình không thể cứ làm thuê làm mướn cả đời, Bính nảy ra ý định học một nghề mà mình phải làm chủ công việc và bản thân, mới mong thoát nghèo. Thế là ban ngày giúp việc, tối đến cô gái trẻ âm thầm học nghề trang điểm cô dâu, và cô học rất nhanh. Sau một năm, Bính ra riêng và mở cho mình một tiệm uốn tóc.

Năm 1994, Bính lập gia đình trong khi đang học năm thứ hai nghành quản trị kinh doanh. Áp lực cuộc sống gia đình cộng với những năm tháng vất vả mưu sinh khiến Bính mang căn bệnh tim khá nặng. Việc học hành bị gián đoạn, bao nhiêu tiền dành dụm đều dùng để chữa bệnh. Quá bí bách, cô đành mượn 2,5 triệu đồng từ người thân để mở sạp bán thịt heo.

May mắn, Bính ăn nên làm ra với nghề bán thịt heo, nhưng suy nghĩ không nên sát sinh luôn khiến cô trăn trở. Lúc này Bính lại nhớ cha mình có dặn dò, phải sống bằng nghề tổ, cái nghề đã nuôi biết bao thế hệ trong gia đình trưởng thành cho đến hôm nay.

Cuối năm 1999, Bính bắt tay gây dựng lại cơ nghiệp nhiều đời của gia đình khi mở một lò bún nhỏ trên mảnh đất ở quận Tân Bình. “Khi tôi quay trở lại nghề bún thì bố mừng lắm. Ông vót tặng 3 cây nan tre (dụng cụ phơi bún), gửi bằng tàu lửa đưa vào. Vậy mà 6 tháng sau khi chưa kịp vào thăm tôi như đã hứa, ông đã qua đời”, Bính bùi ngùi kể lại.

Tuy nhiên lần quay lại nghề tổ này, Bính gặp không ít khó khăn. Do không đăng ký kinh doanh vì nghĩ đây là nghề gia truyền, cơ sở bị quản lý thị trường tịch thu hết đồ nghề, phương tiện kinh doanh. Chấp nhận đóng phạt 500.000 đồng, xin lại đồ nghề, làm giấy phép kinh doanh, Bính bắt đầu chào hàng lại, lập thương hiệu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính, địa danh nổi tiếng về bún ngon ở TP HCM và mở ra chương trình khuyến mại. Ai đi ngang sạp bún, Bính cũng tặng một ít để khách dùng thử, mặc dù đang hụt vốn. Cũng vì mới kinh doanh, cô chịu nhiều cạnh tranh của bạn hàng như bán phá giá, bôi bẩn sạp bán hàng để khách không dám lại gần. Đôi lúc muốn bỏ ngang, nhưng Bính lại nghĩ: chẳng ai làm như vậy suốt năm suốt tháng được. "Họ làm vậy suốt cả tuần, tôi cứ mặc kệ, đem theo cát để xử lý. Cả chợ thấy mình bị như vậy, nhiều người cũng xót thương”, bà Bính nói.

Trời không phụ lòng người, khách hàng thấy cơ sở làm ăn đàng hoàng, bún lại ngon nên dần tìm đến. Bán khoảng 6 tháng, bà Bính mướn người làm phụ, để có thời gian đi tiếp thị.

Do không sử dụng hóa chất, ban đầu Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính không thể cạnh tranh nổi với "bún bẩn" có màu trắng sáng, giòn, dai rất bắt mắt. Không thể làm ngơ trước sức khỏe người tiêu dùng đang bị đe dọa, năm 2002, bà chủ Bính viết đơn gửi đến các ban ngành y tế, an toàn thực phẩm TP HCM để tố cáo hành vi dùng hóa chất trong làm bún. Từ sự việc này, bà Bính trở thành người đầu tiên dám công khai lên án các hành vi dùng hóa chất công nghiệp trong sản xuất bún.

“Vì không cho hóa chất vào, nên nhiều đại lý chê bún của tôi đen. Họ đặt hàng nhưng không bán mà trả về bắt buộc mình phải bỏ đi vì muốn tôi sạt nghiệp", bà Bính kể và cho biết năm 2006 tiếp tục phản ánh lên cơ quan chức năng về vấn nạn này. Hậu quả là gia đình bà liên tục nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ đòi dọa đốt, giết cả nhà, khiến chồng bà không dám chở con cái đi học mà nhờ người khác chở, rồi hôm nay đi đường này, mai đi đường khác. Thêm vào đó, từ số vốn ban đầu 150 triệu đồng, có lúc bà chỉ còn 6 triệu trong tay. Lúc đó chồng bà đã phải nói: “Em ơi, em lại phá sản nữa rồi”. Khi đó bà mạnh mẽ trả lời: “Anh yên tâm, mình có nghề, làm ăn đàng hoàng thì thất bại sao được”.

Sau 6 tháng kiên trì, khuya làm sáng ra chợ bán, kết hợp lý thuyết quản trị kinh doanh đã học, cộng với việc người tiêu dùng đã cảnh giác với bún bẩn, khách hàng đã an tâm quay lại với sản phẩm của bà Bính.

An tâm đã đứng vững trên thị trường, bà Bính quyết định thành lập công ty vào năm 2005. Tuy nhiên, đúng lúc đang trên đà phát triển thì một trận động đất dù không quá mạnh xảy đến ở thời điểm đó đã làm hư hại hơn 70 tấn gạo trong kho. Nhưng trong cái rủi có cái may, chính vì mất toàn bộ gạo dự trữ, bà đã chủ động đi tìm nguồn gạo mới ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong suốt hai năm chỉ bằng chiếc xe máy. Đó phải là loại gạo thuần chủng, không cũ quá mà cũng không mới quá. Gạo Long An, Cần Thơ thì quá dẻo, gạo Cà Mau lại xám sợi bún, còn miệt Sóc Trăng chất lượng không đều. Chỉ có vùng đất cù lao Bến Tre, nhất là Ba Tri, Giồng Trôm, hạt gạo mới hội đủ yêu cầu làm bún ngon, khô, dẻo, dai...

Bà Bính giải thích: “Nếu bún bẩn chỉ tốn 2-3 giờ để làm ra một mẻ, thì bún sạch phải mất ròng rã cả 7 ngày qua 15 khâu". Ngoài ra, để làm được sợi bún ngon, dai, giòn, bí quyết đầu tiên nằm ở khâu chọn gạo. Gạo được đổ vào thùng để dẫn xuống dây chuyền vo gạo. Sau khi ngâm 5 ngày trong thùng, gạo được rửa sạch và chuyển đến máy nghiền thành bột và cho vào máy tách bột. Bột sau khi trộn sẽ theo dây chuyền dẫn tới máy ép sợi vào hệ thống luộc bún. Sau đó bún được làm nguội bằng nước sạch, chạy máy tách nước, máy sấy khử vi sinh. Công nhân sẽ đưa bún lên sàn để chia cân đúng theo tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đóng gói. Quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, chỉ cần chểnh mảng ở một khâu là hỏng nguyên cả một mẻ bún lớn, bún sẽ bị chua, rã, lên mốc…

“Lúc đó tôi sử dụng nước giếng để làm bún. Do động đất nên độ PH tăng cao, bún làm ra bị đắng và hôi. Đi phân tích thí nghiệm nước, kiểm tra mọi thứ, mua từng bình nước suối để vo gạo, ngâm bột, luộc bún... mới phát hiện ra, nếu sử dụng nước giếng để làm như lâu nay, chất lượng sẽ không đạt, phải bằng nước máy thì bún mới ngon”, bà Bính chia sẻ.

Hai tháng trời phải trả lương công nhân, trong khi hoạt động sản xuất tạm ngưng, nợ ngân hàng lên đến 300 triệu đồng. Vậy mà đúng 30 Tết bà lại sốt xuất huyết đường ruột, đau dây thần kinh nằm liệt giường. Lúc ấy công nhân nản chí, nhiều người chuẩn bị tìm hướng để chạy. Lúc đó bà Bính phải đứng ra trấn an: "Các cháu yên tâm, tuy cô nằm một chỗ không dậy và không đi lại được, nhưng cô vẫn có khả năng điều hành và lo cuộc sống cho các cháu, miễn cô còn sống là các cháu sống được”.

Được một bạn hàng dưới Bến Tre cho ứng trước 20 tấn gạo làm vốn, Bính một lần nữa đã làm sống lại công ty bằng những cách tiếp thị riêng như: mua hàng tặng tập vở, viết thư gửi cho các bạn hàng, đi quảng cáo ở các chợ... Đây cũng chính là cột mốc phát triển mạnh của doanh nghiệp bún này. Hiện trung bình mỗi tháng công ty sản xuất ra khoảng 1.000 tấn bún, miến, phở, bánh canh...., và sắp cho ra sản phẩm đông lạnh để xuất đi nước ngoài. Có một điều thú vị là toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất khá bài bản này đều do bà Bính nghiên cứu, thiết kế rồi đặt chế tạo.

Âm thầm quan sát sự phát triển của Bún Thủ Đức - Nguyễn Bính, cách đây 2 tháng, Công ty Thai Wah với bề dày 60 năm về thực phẩm của Thái Lan đã đánh tiếng muốn sở hữu 60% cổ phần sau khi đã định giá công ty khoảng 100 tỷ đồng. Và trong tuần rồi, công ty này đã tổ chức một đoàn 5 người sang Việt Nam để bàn cụ thể về thương vụ hợp tác.

“Đề nghị hợp tác này tôi thấy mừng, nhưng cần phải tỉnh táo, vì những thương vụ mua bán sáp nhập mà báo chí đã từng nêu còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm”, bà Bính chia sẻ.

Mai Hoa

Từ khóa:
Copyright © 2017 BUN - COMPANY. All rights reserved. Design by NINA
Online Online: 3 Thống kê tuầnThống kê tuần: 348 Thống kê thángThống kê tháng: 2969 Tổng truy cậpTổng truy cập: 382354